Tình trạng xuất khẩu xi măng suy yếu, tiêu thụ trong nước chậm do giá xi măng tăng cao đã dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Xi măng.
Đau đầu vì giá than tăng phi mã
Tình trạng thiếu khí đốt ở EU hiện nay đã làm tăng đáng kể nhu cầu nhiệt điện than, thúc đẩy giá than tăng vọt. Cụ thể, giá than thế giới đã vọt lên mức 270 USD/tấn, tăng hơn 40%, gần chạm đỉnh lịch sử là 275 USD/tấn trong ngày 28/2/2022.
Trước đó, giá than chỉ ở mức 190 USD/tấn. Vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, giá than đá đã tăng hơn 80 USD/tấn. Điều này đã khiến các doanh nghiệp xi măng gặp bất lợi khi than chiếm đến 60% giá sản xuất clinker.
Cùng với đó, giá than đá trong nước cũng tăng mạnh. Riêng tháng 5/2022 đã có 2 lần tăng giá bán, tăng khoảng 30 – 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình thị trường xi măng kém khả quan
Trước áp lực chi phí đầu vào, doanh nghiệp xi măng đã phải 3 lần điều chỉnh tăng giá 1 tấn xi măng từ đầu năm, với biên độ tăng trong 3 lần từ 220.000 – 270.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, mức tăng giá này chưa giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn.
Trước tình hình giá than hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất vì càng sản xuất thì càng lỗ.
Nhiều doanh nghiệp cũng chật vật với mức tiêu thụ trong tình hình ngành Xi măng đang thừa cung. Nếu giá nguyên – nhiên liệu tăng quá mức, tình trạng dừng lò nung cũng nằm trong kịch bản được tính toán.
Hiện áp lực tiêu thụ Xi măng đang tập trung vào thị trường trong nước do xuất khẩu những tháng vừa qua bị giảm đáng kể.
Liên quan quan đến việc tăng giá, không riêng mặt hàng xi măng mà chỉ số giá vật liệu xây dựng nói chung cũng tăng theo. Mặc dù giá sắt thép xây dựng trong nước đã có nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng xi măng, gạch cát… vẫn đồng loạt tăng, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” khiến nhiều người có kế hoạch xây dựng, sửa sang nhà cửa phải đắn đo.
Trong các tháng cuối năm, đầu tư công nhiều khả năng sẽ tăng mạnh, thúc đẩy tăng trưởng nhiều nhóm ngành. Gồm có nhóm hưởng lợi trực tiếp như vật liệu xây dựng, thi công và nhóm hưởng lợi gián tiếp là bất động sản. Nguồn cung bất động sản hồi phục trong thời gian tới sẽ là động lực lớn thúc đẩy sản lượng xi măng cuối năm.
>>> Xem thêm: Sức ép nào khiến Hoà Phát phải đóng cửa lò cao?